fbpx

Thiết kế đồ họa là gì?

Chuyên mục: Thiết kế đồ họa

Đăng bởi: sand

Ngày đăng: 10/07/2024

Thiết kế đồ họa là gì ? - Sand Space School
Thiết kế đồ họa là gì? Thiết kế đồ họa là gì? Thiết kế đồ họa là gì? Thiết kế đồ họa là gì? Thiết kế đồ họa là gì? Thiết kế đồ họa là gì?

Thiết kế đồ họa là sự kết hợp phức tạp giữa từ ngữ và hình ảnh, con số và biểu đồ, ảnh chụp và hình minh họa… Một nghệ thuật đại chúng và một nghệ thuật thực tế, một nghệ thuật ứng dụng và một nghệ thuật cổ xưa. Nói một cách đơn giản, đó là nghệ thuật hình dung các ý tưởng… Nhưng nó cũng là một ngôn ngữ của ẩn dụ và khơi gợi, của chơi chữ, của biểu tượng và sự ẩn ý, của các tham chiếu văn hóa và suy luận nhận thức thách thức cả trí tuệ và con mắt.

JESSICA HELFAND / Nhà thiết kế, nhà văn, nhà lý luận / Đồng sáng lập, DesignObserver.com

Nhà thiết kế đồ họa là người giao tiếp: người tiếp nhận ý tưởng và đưa ra hình thức trực quan để người khác có thể hiểu được. Nhà thiết kế sử dụng hình ảnh, ký hiệu, kiểu chữ, màu sắc và chất liệu (dù được in hay trên màn hình) để thể hiện những ý tưởng cần được truyền tải; và sắp xếp chúng thành một trải nghiệm thống nhất nhằm gợi lên cho người xem một phản ứng cụ thể.

Dù bị giới hạn trong các kiểu chữ và hình thức in ấn từ thời Trung Cổ cho đến Cách mạng Công nghiệp đầu thế kỷ 19, thiết kế vẫn mở rộng sang quảng cáo, tạp chí, bảng hiệu, áp phích, tờ rơi và song hành với thị trường tiêu dùng mới. Thuật ngữ “thiết kế đồ họa” xuất hiện gần đây hơn (được dùng bởi WA Dwiggins – một họa sĩ minh họa và nhà thiết kế sách người Mỹ – vào năm 1922 để mô tả các hoạt động cụ thể của ông). Việc nghiên cứu chính thức về thiết kế chỉ được thực hiện vào những năm 1920 và thuật ngữ này chỉ được sử dụng rộng rãi sau Thế chiến thứ hai.

Khác với các ngành khác trong nghệ thuật thị giác, thiết kế đồ họa thường được làm theo yêu cầu khách hàng (công ty hay tổ chức), là một dịch vụ được trả tiền, chứ không phải làm theo cảm hứng của nhà thiết kế. Mặc dù ngày xưa cũng có những tác phẩm nghệ thuật được thực hiện theo yêu cầu của người tài trợ, nhưng đến những năm 1830 khi tư tưởng nghệ sĩ là “người thể hiện cái tôi” trở nên thông dụng thì sự phân biệt giữa nghệ thuật mỹ thuật và nghệ thuật thương mại trở nên rõ rệt. Các nhà thiết kế khuyến khích sự khác biệt này vì các lý do triết học cũng như chiến lược, đặc biệt là họ muốn thiết kế được công nhận là một công việc có thể mang lại giá trị to lớn cho sự phát triển của công ty.

Ball & Doggett

Trong hơn 50 năm sau đó, người thiết kế đồ họa đã được quảng cáo với đủ chức năng, từ nhà chiến lược hình ảnh đến nhà đánh giá văn hóa, và đến cuối những năm 1970 thì là tác giả. Việc này không chỉ giúp tăng lợi nhuận của công ty thông qua việc xây dựng hình ảnh một cách thông minh trong mắt nhóm công chúng mê thương hiệu mà còn ảnh hưởng đến ngôn ngữ hình ảnh đương đại nói chung. Tất cả những chức năng kể trên đều quan trọng đối với thiết kế đồ họa. Nhưng để tránh quên đi bản chất đơn giản thực sự của nhà thiết kế, hãy quay lại với những gì một nhà thiết kế đồ họa làm. Một nhà thiết kế đồ họa tiếp thu các khái niệm bằng lời nói (concepts) và tạo ra hình hài cho chúng (forms). Việc “tạo ra hình hài” này là một ngành yêu cầu một lượng lớn kiến thức, kỹ năng và cảm quan, được áp dụng một cách sáng tạo theo nhiều cách khác nhau khi nhà thiết kế đối mặt với các biến số của từng dự án.

Một nhà thiết kế phải hiểu ký hiệu học—các quá trình và mối quan hệ trong nhận thức và giải thích ý nghĩa thông qua hình ảnh và lời nói. Người đó phải có kiến thức chuyên môn về cách thông tin được truyền tải—phương pháp giải thích, trình bày dữ liệu, mức độ dễ hiểu, khả năng sử dụng, thứ tự ưu tiên của nhận thức và giải quyết vấn đề theo cấp bậc—mở rộng sang kiểu chữ (typography), cơ chế thiết kế bảng chữ cái và cách đọc. Thiết kế đòi hỏi sự thành thạo về kỹ năng phân tích và xử lý trong tạo dựng hình ảnh—cách các hình dạng, màu sắc và kết cấu hoạt động để mô tả ý tưởng, đạt được sự gắn kết và năng động về mặt thẩm mỹ, biểu thị các khái niệm bậc cao hơn đồng thời khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ. Hơn nữa, một nhà thiết kế phải quen thuộc với tâm lý học và lịch sử, các câu chuyện văn hóa, các biểu tượng và trải nghiệm mang tính nghi thức, cũng như các động lực và phản ứng trong tâm lý người tiêu dùng (tương tự ngành “marketing”). Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, một nhà thiết kế phải có công cụ tốt với kiến thức công nghệ cần thiết để thực hiện thiết kế: phương tiện và kỹ thuật in ấn, phim và video, mã hoá kỹ thuật số, quy trình công nghiệp, kết cấu vật thể, v.v.

B&B STUDIO / VƯƠNG QUỐC ANH
B&B STUDIO / VƯƠNG QUỐC ANH

Nhưng thiết kế đồ họa còn hơn cả những phần tạo nên nó. Cùng nhau, chúng thiết lập một tổng thể mang đến trải nghiệm hữu hình và vô hình. Một nhà thiết kế chịu trách nhiệm về trải nghiệm cảm xúc và lý trí mà anh ta hoặc cô ta mang đến cho người xem, và có nhiệm vụ là nâng nó lên trên sự tầm thường của việc truyền tải một cách nông cạn theo nghĩa đen hoặc một cách ích kỷ chỉ để thoả mãn cái tôi. Xét cho cùng, vẻ đẹp là một chức năng của bất kỳ thông điệp hình ảnh nào. Giống như lời văn có thể dài dòng và đơn điệu hoặc trau chuốt và lãng mạn, một thiết kế không chỉ đơn giản là “nó là gì”. “Nếu thực dụng là quan trọng với lý trí,” nhà thiết kế đáng kính người Thụy Sĩ Willi Kunz viết trong cuốn sách của mình, Kiểu chữ: Thẩm mỹ vĩ mô và vi mô , “thì hình thức cũng quan trọng đối với cảm xúc…Cuộc sống hàng ngày của chúng ta trở nên phong phú hay tẻ nhạt bởi môi trường của chúng ta.”

Nguồn tài liệu: Design Elements (Timothy Samara) – Biên dịch: Thi Võ

Floating Button